Một số anh chị em khi thấy số ca nhiễm dương tính mới không chỉ không tăng thêm mà còn có phần giảm đi đã thở phào và cho rằng các khó khăn sắp qua.
Giãn cách xã hội là một cách phòng chống và giảm lây nhiễm covid-19 |
Thực ra là ngược lại các anh chị ạ. Nói như vậy không phải để bi quan mà để hiểu rõ, có phương án chuẩn bị và đối phó thật tốt.
Xưa thành phố theo chiến lược “tích cực truy vết”. Hễ có ca nhiễm là truy tất cả những người tiếp xúc gần xa. Yêu cầu xét nghiệm hết. Nên chúng ta tìm ra ca F0 tiếp theo nhanh. Và cũng vì vậy nên lượng F0 tăng cực nhanh.
Nhưng tăng thế là tăng tốt. Vì ta không làm tình hình xấu thêm. Mà chỉ đơn thuần là phát hiện sớm hơn cái xấu đã có sẵn trong cộng đồng và ngăn nó xấu thêm.
Bây giờ, sau hai việc:
1. Số ca F1 khi tập trung (trong lúc đợi xét nghiệm) lây lẫn nhau rất nhiều. Một số trong số đó thậm chí xét nghiệm âm tính, nhưng khi được trả trở về cộng đồng thì mới phát dương tính.
2. Số ca F0 là quá nhiều. Thậm chí sau khi đã phân chia ra các loại F0 khác nhau thì 5% nặng nhất cũng là quá nhiều và vượt quá khả năng xử lý của hệ thống y tế. Biểu hiện rõ ràng nhất là số người tử vong tăng đột biến (2-3-4 trăm người mỗi ngày, tương đương một chi nhánh, một nhà máy hay một tổ dân phố). Khi đó, việc phát hiện ra thêm F0 không còn có nghĩa nữa (vì cũng không thể làm gì nhiều).
Do vậy chiến lược đã phải đổi từ TẤN CÔNG TÍCH CỰC sang PHÒNG THỦ THỤ ĐỘNG. Chỉ là để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
F0 mới không còn bị truy vết nữa nên ta sẽ không phát hiện được các F0’ mới từ F0 ấy. Rồi F0’ không bị phát hiện ấy lại cũng sẽ vì chủ quan nên lây thêm nữa.
Thế nên 5K bây giờ phải làm nghiêm hơn trước, vì nguy cơ cao hơn. Xung quanh ta nhiều “kẻ xấu” hơn trước.
Một điều thứ hai, đó là vì cơ sở vật chất của bệnh viện dã chiến quá kém (chỉ bàn thực tế, không có ý than phiền), tỷ lệ lây chéo lẫn nhau lại cao. Nên khoảng 10-15 ngày nay, có rất nhiều ca thậm chí đã là F0 có triệu chứng mạnh rồi mà vẫn cố thủ trong nhà, không báo cho y tế. Chỉ đến khi suy hô hấp nặng thì mới chịu đi cấp cứu. Thường là vào đến bệnh viện được từ vài tiếng đến 1-2 ngày là tử vong.
Gia đình người bạn học của con em, cả gia đình 6 lần xét nghiệm nhanh đều dương tính, bị triệu chứng F0 rất rõ. Nhưng không chịu báo y tế để làm RT-PCR vì sợ bị “hốt” vào bệnh viện dã chiến. Điều kiện không tốt, lại không thể chăm được nhau.
Gia đình cột chèo của tôi, vốn anti-vaccine nghiêm trọng. Đùng một cái 6 người dương tính phải vào bệnh viện dã chiến Củ Chi, 1 người phải thở máy.
Nói như vậy để thấy là trong một bộ phận cư dân, tính phối hợp hoặc/và mức độ tin tưởng vào nỗ lực chung đang có giảm đi.
Và vì vậy những thống kê của mình không còn đúng nữa.
Điều đáng sợ hơn là những thống kê ấy tạo ra hiệu ứng chủ quan trong đa phần dân cư. Họ sẽ ít quyết liệt hơn, ít triệt để hơn, ít phối hợp hơn, ít hy sinh hơn.
Nên công cuộc chống đại dịch của mình sắp tới còn khó khăn, và khó khăn hơn nữa.
Bây giờ chỉ nên nhìn vào số người tử vong thôi. Mà cả khi đó, nhiều trường hợp e rằng vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ.
Các doanh nghiệp của mình cần chuẩn bị tốt cho phương án chống dịch dài hơn (again) và lên tinh thần, siết chặt kỷ luật chống dịch cho cán bộ công nhân viên.
Có đến khi, tử vong xuống bằng 0 trong liên tục 10-15 ngày thì chúng ta mới có thể thở phào.
Và lưu ý thêm rằng tính kết nối giữa Sài Gòn và khu vực xung quanh là rất cao. Cũng giống như trước đây khu vực xung quanh không được chủ quan. Thì kể cả khi Sài Gòn sạch bóng F0, thì chúng ta cũng vẫn chưa thể an tâm.
Cần nhìn nhận cả khu vực như một tổng thể và có giải pháp toàn diện. Biên giới hành chính không có ý nghĩa đối với virus.
Theo anh Trần Bằng Việt