Tâm thư của ông Mai Quốc Ấn - DNXH SafeLife Vietnam: Thư gửi một thiếu tướng

Kính gửi: Thiếu tướng Lê Hồng Nam-Giám đốc Công an TP.HCM

Tôi là Mai Quốc Ấn-Chủ tịch Doanh nghiệp xã hội SafeLife Vietnam-nơi sản xuất khẩu trang N96+ mà Thiếu tướng đã đeo khi đến thăm, tặng quà động viên đến các y bác sĩ Bệnh viện Dã chiến và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Quận 10, TP.HCM.

Trước hết, tôi rất xin lỗi đã làm phiền ông khi viết thư này trong khi cả ông và tôi đều bận chống dịch. 

SafeLife Vietnam đăng ký là doanh nghiệp xã hội dùng 51% lợi nhuận và công bố thêm 5% doanh thu để phục vụ cộng đồng và hoạt động chính suốt từ khi có dịch COVID đến nay là ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch gần 50 tỉnh thành. Trong đó, có gửi tặng toàn bộ các phòng ban lực lượng CA TP.HCM, bệnh viện CA TP.HCM và khu cách ly các đối tượng vượt biên tại Nhà Bè.

Thưa Thiếu tướng Lê Hồng Nam! Việc viết thư cho ông kèm theo đơn tố cáo gửi tới Thanh tra CA TP.HCM là sự cần thiết của việc bảo vệ quyền công dân, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trước sự tàn ác của những cá nhân bại hoại trong ngành công an tại TP.HCM.

Ngày 2/8/2021, tôi nhận thông báo từ nhân viên giao hàng của SafeLife Vietnam về việc CA Quận 3 giữ số hàng gồm hơn 200 khẩu trang N96+ và 03 hộp test kit dùng để phát hiện COVID. Số hàng này của một nhóm mạnh thường quân mua qua đại lý SafeLife Vietnam để tặng ủng hộ chống dịch. Tôi nói với nhân viên giao hàng cứ hợp tác với lực lượng chức năng và xuất hàng khác để bù cho đại lý giao cho khách. Trưa cùng ngày, có 02 công an tên Hoàng và tên Chiến đến trụ sở SafeLife Vietnam yêu cầu xác minh nguồn gốc số hàng trên. Doanh nghiệp trình ra đầy đủ giấy tờ CO, CQ, CFS và hoá đơn hàng hoá. Họ cho rằng khẩu trang và test kit phát hiện COVID không phải mặt hàng thiết yếu. Tôi hỏi về giấy tờ nội dung công việc khi đến doanh nghiệp thì cả hai nói là không có, chỉ đi xác minh.

Ngày 11/8/2021, công an tên Hoàng mặc thường phục đến trụ sở SafeLife Vietnam đưa giấy mời tôi và nhân viên giao hàng lên CA Quận 3 vào ngày 12/8/2021 để làm việc về số hàng bị tạm giữ. Tôi có thông báo cho công an Hoàng về việc sức khoẻ bản thân đang không ổn đó có tiền sử bị tai biến mạch máu não. Hôm sau tôi lên Đội Cánh sát kinh tế CA Quận 3 làm việc và chuyển đầy đủ hồ sơ giấy tờ của công ty lẫn hoá đơn hàng hoá cho công an Hoàng (xác định trong giấy tờ là Trần Lê Huy Hoàng, tôi không rõ cấp bậc vì mặc thường phục).

Buổi làm việc bị ngắt quãng vì sự ồn ào do có một nhân viên giao hàng của công ty nào đó bị bắt về trụ sở CA Quận 3 và bị đánh. Người này chỉ biết ôm đầu là lên “Tôi có làm sai chi mô mà mấy ông bắt tôi, đánh tôi!” Người đánh dân sau đó được giới thiệu là Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Quận 3 tên Minh. Khi vào phòng, Minh còn dặn các công an khác hứng sẵn một xô nước dưới lầu để lát nữa trấn nước nạn nhân “cho nó nhớ”.

Cuộc làm việc tiếp tục và sau khi tôi đưa ra đầy đủ các giấy tờ thì công an Trần Lê Huy Hoàng đồng ý kiểm đếm số khẩu trang. Đến 3 hộp kit test COVID thì công an Trần Lê Huy Hoàng cho rằng không khớp với số hàng bị giữ vì hoá đơn ghi đơn vị tính bằng cái còn hàng hoá lại là hộp. Tôi có chỉ cho vị này hoá đơn bên bán xuất cho SafeLife Vietnam có ghi rõ số lượng và ghi thêm mỗi hộp 25 cái kít test. Tôi có phản ánh khi kiểm đếm hàng có một hộp kít test đã bị khui ra và nên ghi chi tiết này vào biên bản làm việc còn cá nhân tôi sẽ đồng ý nhận lại và chuyển toàn bộ số hàng này cho bệnh viện dã chiến 5B vì lúc đó Đại tá Ngô Xuân Giang-Trưởng đại diện Truyền hình Quốc phòng Việt Nam có gọi điện nhờ tôi ủng hộ khẩn cấp cho bệnh viện dã chiến.

Buổi làm việc bị ngắt quãng vì tôi có cảm giác khó thở và xin thuốc Captoril chữa huyết áp. Tôi uống thuốc xong thì cuộc làm việc tiếp tục. Công an Trần Lê Huy Hoàng và công an tên Chiến không đồng ý ghi vào biên bản hộp hàng đã bị khui như tôi phản ánh và muốn đọc cho tôi viết tường trình của bản thân thay vì để tôi tự viết. Đội trưởng Mình đe dọa nếu không viết đúng ý họ thì sẽ giữ tôi lại đến tối, rồi ra ngoài.

Tôi không đồng ý và đề nghị làm lại biên bản thì công an Trần Lê Huy Hoàng xông vào hành hung tôi. Có 02 công an khác giúp sức hắn ta giữ tôi lại và đánh vào đầu tôi. Sự việc diễn ra ngay trước camera giám sát trong phòng làm việc của Đội Cảnh sát kinh tế CA Quận 3. 


Những cú đánh vào đầu ngay khu vực từng bị tai biến khiến tôi choáng và nôn khan. Công an Trần Lê Huy Hoàng vừa đánh vừa chửi thề và cướp điện thoại của tôi đi ra ngoài khi tôi nói cần gọi bác sĩ. Họ bỏ mặc tôi ở lại phòng trong tình trạng nôn khan liên tục trong hơn 1 giờ. Tôi men theo vách tường ra ngoài nhờ những công an tôi gặp gọi cho bác sĩ, đáp lại chỉ có sự im lặng. Công an Chiến vào phòng và ghi một biên bản với nội dung tôi bị tai biến nên dời cuộc làm việc sang ngày khác. Tôi hỏi Chiến tại sao tôi bị hành hung lại không đưa vô biên bản thì Chiến trả lời “Em ở cửa giữa, anh thông cảm.” Tôi phải ký vào biên bản thì Chiến mới ra thuyết phục Trần Lê Huy Hoàng trả điện thoại cho tôi gọi cấp cứu.

Tôi gọi ngay bác sĩ Nguyên Quốc Hưng từng trị liệu tai biến cho mình mang thuốc đến và sơ cứu trước khi gọi xe cấp cứu bệnh viện 175 đến. Quá trình sơ cứu luôn có 2-3 công an giám sát và khi bác sĩ Hưng thông báo tình trạng của tôi nặng ra sao họ mới cho tôi ra xe cấp cứu để chuyển đi.


Kính thưa Thiếu tướng Lê Hồng Nam! Tôi lập doanh nghiệp xã hội ngày 6/1/2020 và đăng ký trụ sở tại phường Đa Kao, Quận 1. Vừa lập doanh nghiệp xong thì nhân viên của tôi bị dọa là “đang điều tra Mai Quốc Ấn” khiến họ lo sợ. Tôi đến trụ sở công an khác phường Đa Kao để chủ động phối hợp điều tra thì được giải thích là “hiểu lầm”. Trong năm 2020, cả 2 xưởng gia công khẩu trang cho SafeLife Vietnam bị công an địa phương kiểm tra mà không có biên bản làm việc mà không phát hiện sai phạm nào. Đại lý của tôi bán hàng lẻ cho khách nhưng tôi là chủ tịch công ty lại phải xách giấy tờ lên cung cấp cho Đội Cảnh sát kinh tế Quận 3. Xin hỏi Thiếu tướng, nếu chủ doanh nghiệp nào cũng bị làm phiền như vậy thì nền kinh tế đi về đâu? Một doanh nghiệp xã hội dành lợi nhuận và doanh thu của mình để ứng cứu tuyến đầu, nếu hụt hàng và có lây nhiễm F0 thì ai sẽ chịu trách nhiệm?


Thưa Thiếu tướng Lê Hồng Nam! Hôm nay là kỷ niệm 76 năm ngày thành lập lực lượng công an Việt Nam (19/8/1945-19/8/2021). Xin hỏi Thiếu tướng, việc đánh đập, mắng chửi một công dân không sai phạm pháp luật ngay tại trụ sở CA Quận 3 liệu có phải là cách Đội Cảnh sát kinh tế Quận 3 chào mừng ngày thành lập ngành? Việc thu giữ hàng hoá thiết yếu dành cho chống dịch, hỗ trợ chữa trị F0 không thông báo cho doanh nghiệp là cách Công an Quận 3 thực hiện nhiệm vụ chống dịch của Chính phủ nói chung và Bộ Công An, TP.HCM nói riêng? Và dù biết rõ tôi ủng hộ cho lực lượng chống dịch nhưng Công an Quận 3 vẫn không trả hàng dù đủ giấy tờ chứng minh, hành hung và bỏ mặc người đã cống hiến cho công tác chống dịch của CA TP.HCM là cách “trả ơn” của lực lượng công an tại “thành phố nghĩa tình”? 

Nếu không may mắn được bác sĩ sơ cứu và bệnh viện 175 cấp cứu kịp thời, có lẽ sẽ có thêm 01 cái xác tại trụ sở công an phải không thưa Thiếu tướng?

Dù sao hôm nay cũng xin chúc mừng Thiếu tướng và CA TP.HCM nhân kỷ niệm 76 năm thành lập ngành công an và đồng thời cũng đề nghị Thiếu tướng và Thanh tra CA TP.HCM làm rõ vụ việc. Không thể để những kẻ bại hoại khoác áo công an lạm quyền làm khổ doanh nghiệp, đánh đập người dân và biến CA TP.HCM thành một cơ quan không chỉ vô ơn mà còn tàn ác với người đã giúp đỡ mình khi thiếu thốn vật tư chống dịch.

Chúc Thiếu tướng sức khỏe để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Trân trọng!

P/s: Nguyên văn nội dung thư gửi thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc CA TPHCM và đơn tố cáo kèm theo được gửi đến Thanh tra CA TP.HCM trong hôm nay.

Kính thư Mai Quốc Ấn


0 Nhận xét