(KTSG) – Do dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, TP.HCM đã kéo dài thời gian giãn cách kèm với không ít khu vực “vùng đỏ” bị phong tỏa đã khá lâu. Những tưởng, trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng này, những tranh cãi về xác định hàng hóa thiết yếu đã phải dừng lại để có thể thực thi các phương án chống dịch một cách hiệu quả hơn.
Nhưng ngược lại, những cản trở đối với quá trình lưu thông hàng hóa vẫn tiếp diễn mà một trong những lý do vẫn là: thiếu yếu hay không thiết yếu.
Nhu cầu của con người cũng quyết định đến cách ứng xử với hàng hóa. |
Phẫu thuật bằng… dao gọt trái cây
Khoảng mười lăm năm trước, bộ phim truyền hình Chuyện tình ở Harvard của Hàn Quốc thu hút tôi vì thông tin về pháp luật Mỹ được phản ánh trong phim. Trong bài giảng về pháp luật Mỹ sau này, tôi vẫn thường minh họa bằng những tình tiết sống động trong phim.
Một trong những tình huống tiêu biểu của bộ phim là quyết định phẫu thuật “dã chiến” của cô sinh viên y khoa. Bối cảnh chính là không gian của căng tin trường và một thanh niên đang ăn thì khó thở và hôn mê. Với tình trạng hiện thời, nạn nhân có thể sẽ ngưng thở trong khoảng mười phút nữa, trước khi chiếc xe cấp cứu nhanh nhất có thể đến.
Với kiến thức tích lũy được, cô sinh viên y khoa quyết định… phẫu thuật để thổi dưỡng khí trực tiếp vào khí quản trong lúc chờ xe cấp cứu đến. Dụng cụ phẫu thuật phù hợp xung quanh là một con dao gọt trái cây, chai rượu để sát trùng và chiếc ống hút.
Nạn nhân sau đó được chuyển đến bệnh viện và được cứu sống nhưng kèm theo một số di chứng. Nếu có thể được cấp dưỡng khí sớm hơn, nạn nhân có thể đứng dậy được.
Những tranh cãi và kiện tụng bắt đầu, đặc biệt là Trường Y Harvard phải tổ chức xem xét kỷ luật cô sinh viên và cả giáo sư của cô ta. Kết quả, cô đã không đón nhận bất kỳ một án phạt nào khi một quy tắc án lệ về lựa chọn giải pháp cứu người trong tình thế cấp bách được nêu ra. Đặc biệt, ý kiến phản biện các cáo buộc lập luận rằng một người có thể bị ghép vào tội không cứu người khác khi nhận thức được mối nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân và bản thân hoàn toàn có thể cứu giúp.
Sử dụng tùy thuộc hoàn cảnh
Ít ra, câu chuyện này cũng giúp chúng ta hiểu rằng, mục đích sử dụng và giá trị của một món đồ phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh. Thường ngày, nó có thể là vật dụng thông thường nhưng đôi khi nó trở nên hữu ích và là thứ không thể thiếu. Thậm chí, nếu không có nó quá trình và nỗ lực giành lấy sự sống cho một con người cũng khó và thậm chí là không đạt được.
Khi các thông báo khai giảng và dạy – học trực tuyến được đưa ra thì mối lo lắng lớn nhất là… máy tính. File sách giáo khoa có thể được chuyền cho nhau thay vì phải cố gắng mua bộ sách in. Nhưng chính vì nó là file sách nên máy tính, điện thoại lại càng phải có. Thiết yếu hay không thiết yếu – hãy nhìn vào đúng hoàn cảnh để có thể có câu trả lời xác đáng.
Có thể trở lại với câu chuyện về chiếc khẩu trang y tế. Không phủ nhận rằng đây là vật dụng hữu ích để bảo vệ sức khỏe. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, khẩu trang không lạ gì với người dân Việt Nam. Khẩu trang được bán khắp phố và mọi người thường xuyên dùng khẩu trang để… chống bụi. Nhưng lúc bấy giờ, sẽ rất khiên cưỡng để khẳng định khẩu trang là vật dụng bắt buộc phải có mỗi khi ra đường.
Trái lại, khi dịch Covid-19 bắt đầu từ năm ngoái, vai trò của chiếc khẩu trang đã khác, và trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Những cuộc săn lùng và hậu quả là sự khan hiếm nguồn cung trong những ngày đầu đại dịch có thể nói lên điều đó.
Theo lý thuyết, để đánh giá một loại hàng hóa, người ta dựa vào đặc tính và mục đích sử dụng của sản phẩm đó. Khác với đặc tính, mục đích sử dụng phụ thuộc vào nhu cầu và ý muốn chủ quan của con người. Mà nhu cầu và ý muốn đó có thể thay đổi theo thời gian và tùy hoàn cảnh. Vì vậy, việc xác định mục đích sử dụng của hàng hóa không đơn thuần là mục đích được định sẵn ban đầu và dựa vào tình huống mà vốn dĩ vì nó người ta làm ra sản phẩm.
Lương thực, thực phẩm: Đa dạng hay đồng nhất?
Không thể bàn cãi, lương thực, thực phẩm là hàng thiếu yếu. Nhưng tùy vào mức độ cấp thiết của mỗi hoàn cảnh mà tính thiết yếu của mỗi loại lương thực, thực phẩm được phản ánh rõ nét đến mức nào. Lẽ thường, cơm gạo là thứ tối quan trọng. Nhưng cơm độn khoai, cơm độn bo bo thậm chí chỉ có khoai, sắn, hay bo bo đã từng cứu đói không ít người.
Nhu cầu của con người cũng quyết định đến cách ứng xử với hàng hóa. Với người này, cơm gạo đã là đủ, nhưng với người khác thì cần phải có cá, thịt. Nhưng cũng có người tạm thời chỉ cần thứ giản đơn hơn: mì gói hay lương khô… Chính sự đa dạng nhu cầu đó quyết định đến sự khác biệt về nhu cầu hàng thiết yếu. Sự khác biệt từ đó dẫn đến tranh cãi.
Thời dịch dã không phải là thời… chưa có dịch. Cho nên, khác với thời chưa có dịch, xã hội phải chấp nhận những giới hạn để vượt qua đại dịch, giành lại các cơ hội mà ở đó mọi nhu cầu cá nhân có thể được thỏa mãn. Trước khi điều đó quay trở lại, thay vì duy trì đáp ứng nhu cầu đa dạng ở cấp độ cá nhân, giải pháp hợp lý hơn là chỉ đáp ứng nhu cầu cần thiết ở mức để mỗi người có thể sống được và vượt qua đại dịch.
Những yêu cầu của cá nhân tạm thời không được xem là thiết yếu có thể được gác lại. Nhưng chắc chắn, những điều kiện cụ thể trong mỗi hoàn cảnh riêng biệt, đặc thù cần phải được chú ý đến.
Gạo, mì… và gì nữa?
Thực tế, sự phân tầng xã hội một phần được biểu hiện qua sự khác biệt về hoàn cảnh và điều kiện sống. Tiêu chí về nhu cầu “tối thiểu” như gạo, mắm… và thậm chí là số lượng bao nhiêu được vận dụng nhưng những dự liệu về tình huống đặc biệt cũng cần phải được lưu tâm.
Lệnh phong tỏa, giãn cách nếu chỉ có vài ngày, một tuần hay thậm chí một, hai tuần thì mọi người có thể chịu đựng được. Nhưng nếu yêu cầu chống dịch cần phải kéo dài việc hạn chế đi lại, tiếp cận với lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu thì giải pháp trường hơi cần phải được tính toán.
Bài viết mượn hình ảnh “nhai sống” mì gói để giả định cho những tình huống ngặt nghèo mà người dân không có dụng cụ để nấu nướng. Chuyện gì xảy ra nếu bình gas cửa bếp đã hết mà mọi phương cách để được tiếp nhiên liệu không thể thực hiện. Việc trang bị bếp điện có thể cũng gặp trục trặc, vì nhiều lý do, mà một trong số đó có thể là… bếp không phải là hàng thiết yếu. Cần phải hiểu rằng, lương thực, thực phẩm không tự nuôi sống một người. Nó chỉ thực sự hữu ích khi được dung nạp vào cơ thể, và được hấp thụ.
Một liên hệ khác là điện thoại thông minh, là máy tính… Một phần may mắn trong giai đoạn hiện tại là đại dịch bùng phát khi loài người đã tiếp cận gần với công nghệ số, Internet và nhiều thiết bị thông minh khác. Rõ ràng, nếu nền tảng giao dịch trực tuyến này bị ách tắc thì tình hình sẽ còn khốn đốn hơn nhiều.
Điển hình là bối cảnh đặc thù của TPHCM. Có thể thấy, gần như tất cả mọi giải pháp hiện nay đều dính tới công nghệ, ít nhất là thiết bị di dộng có kết nối Internet. Gọi cấp cứu, liên hệ xin hỗ trợ, hướng dẫn y tế cho bệnh nhân cách ly tại nhà và thậm chí là tiến hành khai báo y tế… đều phải dùng đến thiết bị này.
Điều gì sẽ xảy ra nếu điện thoại không được xem là hàng hóa thiết yếu. Như đã nói, trong điều kiện bình thường, không sử dụng điện thoại (thông minh) không khiến con người ta phải… chết. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thiếu nó con người có thể đối diện với một tình thế nguy kịch không có lối ra.
Rồi như chúng ta đã thấy, khi các thông báo khai giảng và dạy – học trực tuyến được đưa ra thì mối lo lắng lớn nhất là… máy tính. Nếu không xem việc mở lớp là nhu cầu bức thiết thì kế hoạch học tập có thể dừng. Nhưng một khi đã quyết định triển khai (đương nhiên bằng quyết định mang tính quyền lực nhà nước) thì cần phải hiểu rằng phụ huynh và học sinh nhất thiết phải có hàng “thiết yếu” để đáp ứng. File sách giáo khoa có thể được chuyền cho nhau thay vì phải cố gắng mua bộ sách in. Nhưng chính vì nó là file sách nên máy tính, điện thoại lại càng phải có.
Nếu vì giãn cách, và vì cho rằng, đó không phải là hàng thiết yếu và không được lưu thông và phân phối thì phụ huynh, học sinh bằng cách nào để có? Cho nên, thiết yếu hay không thiết yếu – hãy nhìn vào đúng hoàn cảnh để có thể có câu trả lời xác đáng.
Phan Nhật