Chỉ số Phục hồi Covid-19 của Nikkei Asia đánh giá 121 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, việc triển khai tiêm vaccine và tình trạng đi lại tự do trong xã hội. Việt Nam được xếp hạng 121 về chỉ số này.
Phun thuốc khử trùng trên đường phố ở Hà Nội - Ảnh: Reuters |
Chỉ số phục hồi covid-19 các nước Đông Nam Á theo Tờ Nikkei Asia Nhật Bản
Theo Chỉ số Phục hồi Covid-19 mới cập nhật của tờ Nikkei Asia, các quốc gia Đông Nam Á đang phải vật lộn chống lại các đợt bùng dịch mạnh do biến thể Delta và việc chậm tiêm vaccine ngừa Covid-19. Việt Nam, Philippines, Myanmar và Thái Lan là 4 quốc gia đứng cuối bảng về chỉ số phục hồi hậu Covid-19, còn Malaysia đứng thứ 7 từ dưới lên.
Chỉ số Phục hồi Covid-19 của Nikkei Asia đánh giá hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, việc triển khai tiêm vaccine và tình trạng đi lại tự do trong xã hội. Quốc gia có chỉ số càng cao thì càng tiến gần tới trạng thái phục hồi với số ca nhiễm Covid-19 thấp, tỷ lệ tiêm vaccine cao và/hoặc ít phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn.
Chỉ số tính đến ngày 31/08/2021 |
Việt Nam từ ngôi sao sáng kiểm soát dịch bệnh trở thành quốc gia đứng cuối bảng
Theo Nikkei Asia, Việt Nam, từng là “ngôi sao” khi kiểm soát dịch bệnh thành công kể từ khi dịch bùng phát cho tới cuối tháng 6, giờ đây ghi nhận số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 kỷ lục. Trong tuần cuối tháng 8, Việt Nam ghi nhận hơn 87.000 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó gần 40% ở TPHCM - cũng là nơi chiếm khoảng 80% tổng số ca tử vong toàn quốc. Với việc Việt Nam áp dụng các biện pháp về sức khỏe cộng đồng giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở nhiều thành phố lớn, Nikkei Asia xếp Việt Nam ở cuối bảng về Chỉ số Phục hồi Covid-19.
Các quốc gia khác của Đông Nam Á
Xếp thứ hai từ cuối lên, Philippines tụt 14 bậc so với xếp hạng hồi tháng 7. Ngày 30/8, quốc gia đông Nam Á này ghi nhận kỷ lục 22.366 ca nhiễm mới giữa làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Delta. Trung bình 7 ngày qua, nước này có hơn 17.700 ca nhiễm mới. Khu vực thủ đô Manila và một số tỉnh khác của Philippines đang áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch ở mức nghiêm ngặt cao thứ hai cho tới ngày 7/9.
Cũng tại Đông Nam Á, Thái Lan dù tăng hai bậc nhưng vẫn đứng gần chót bảng - ở vị trí 118. Số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm so với mức đỉnh hơn 20.500 ca nhưng vẫn ở mức cao.
Từ ngày 1/9, chính phủ Thái Lan đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đối với hoạt động bán lẻ và dịch vụ ăn uống nhằm cứu nền kinh tế. Các nhà chức trách nước này cũng cho phép khôi phục khai thác một số chuyế bay nội địa đến và đi từ thủ đô Bangkok tới các khu vực có nguy cơ cao. Trong tháng 8, số lượng chuyến bay nội địa tại Thái Lan đã giảm hơn 95% so với mức trước đại dịch, theo dữ liệu từ Cirium.
Mặc dù vậy, Đông Nam Á vẫn có một số điểm sáng. Hai quốc gia cũng thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Campuchia và Indonesia đều tăng hạng trong Chỉ số Phục hồi Covid-19 của Nikkei Asia.
Campuchia tăng 30 bậc lên vị trí thứ 52 khi số ca nhiễm mới giảm mạnh và tiến độ tiêm vaccine được cải thiện. Campuchia hiện là nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Theo dữ liệu từ Our World in Data, tính tới ngày 31/8, hơn 50% dân số Campuchia đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Trong khi đó, Indonesia cũng tăng từ vị trí 114 lên 92 dù phục hồi trong nước chưa đồng đều. Thủ đô Jakarta dự kiến dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong vài tuần tới khi số ca nhiễm tiếp tục giảm và 50% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, các khu vực khác của quốc gia này vẫn có nguy cơ cao do số ca nhiễm tăng cao và chiến dịch tiêm vaccine còn hạn chế.
Hơn nữa, theo dữ liệu của Our World in Data tính tới cuối tháng 8, tỷ lệ tử vong vì Cocid-19 tại Indonesia là 3,57% - cao hơn hầu hết quốc gia trên thế giới nhưng tương đương với các quốc gia láng giếng có tốc độ tiêm chủng chậm. Dữ liệu từ Our World in Data cho thấy Myanmar và Việt Nam hiện có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ dưới 4%, và tỷ lệ tử vong lần lượt là 3,85% và 2,88%.
Tại châu Đại Dương, New Zealand tụt 78 bậc từ vị trí thứ 2. Quốc gia này mất điểm khi dịch bùng phát trở lại và phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Australia cũng tụt xuống từ vị trí 45 xuống 84 do ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục gần đây.
Một số quốc gia có tốc độ tiêm vaccine “thần tốc” hiện cũng đang phải vật lộn với số ca nhiễm tăng trở lại, khiến chỉ số phục hồi sụt giảm mạnh. Israel và Mỹ, hai trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ cao nhất thế giới, hiện lần lượt xếp thứ 54 và 74. Cả hai nước này đều đang chuẩn bị tiêm mũi vaccine nhắc lại để tăng khả năng bảo vệ cho người dân trước các biến thể Covid-19.
Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) mới đây nhận định nhiều quốc gia tại châu Á đang tiêm vaccine với tốc độ nhanh hơn dự báo. Tuy nhiên, vì hầu hết các nước châu Á sử dụng các loại vaccine có hiệu quả tương đối thấp, nên cần phải có độ phủ lớn hơn và thậm chí phải tiêm mũi nhắc lại thì mới có thể đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng.
"Với khả năng chống chịu Covid-19 của châu Á thấp hơn, chúng tôi dự báo các biện pháp hạn chế như giãn cách xã hội, phong tỏa và kiểm soát biên giới sẽ vẫn được áp dụng tại hầu hết khu vực này trong năm 2021”, EIU cho biết.
Hoài Thu
ĐỌC THÊM: Bài viết đăng vào ngày 29/01/2021
Việt Nam là nước xử lý đại dịch COVID-19 tốt thứ 2 trên thế giới
Thứ sáu, 29/01/2021 17:04 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Ngày 28/1/2021, Viện Nghiên cứu Lowy của Australia đã xếp hạng New Zealand, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) nằm trong top 3 các nước và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất trên thế giới.
Reuters đăng tải hình ảnh về công tác xét nghiệm COVID-19 cho người dân Hải Dương , ngày 28/1. |
Trong đó, các nước còn lại thuộc top 10 trong bảng xếp hạng của Viện Lowy gồm: Thái Lan, CH Síp, Rwanda, Iceland, Australia, Latvia và Sri Lanka – vốn ghi nhận tổng số ít nhất ca bệnh và tử vong do COVID-19 tính theo đầu người.
Xếp hạng của viện Lowy được đưa ra dựa trên các số liệu nghiên cứu từ 98 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thời gian xếp hạng được tính trong vòng 36 tuần kể từ sau khi một nước hay vùng lãnh thổ đó ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ 100 và sử dụng các dữ liệu sẵn có đến ngày 9/1/2021.
Các nhà nghiên cứu của Viện Lowy đã thu thập dữ liệu từ hàng loạt các quốc gia khác nhau trên thế giới để tạo ra tương tác mới, đánh giá một cách chính xác nhất phản ứng của các nước đối với dịch bệnh. Từ thông tin tổng hợp từ các phương tiện truyền thông nước ngoài, Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy đã công bố các số liệu về kết quả phòng chống dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới, dựa trên tổng số ca nhiễm được xác nhận, số ca nhiễm được xác nhận/1.000.000 dân, số ca tử vong được xác nhận do nhiễm COVID-19, số ca tử vong được xác nhận do nhiễm COVID-19/1.000.000 dân, tỷ lệ số ca nhiễm được xác nhận/số người được xét nghiệm và số người được xét nghiệm/1.000 dân để tính toán.
Bảng xếp hạng của Lowy cho thấy châu Á – Thái Bình Dương là khu vực thành công nhất trong ứng phó với đại dịch. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu lại tỏ ra “bị động” trước sự lây lan nhanh chóng của COVID-19. Theo bảng xếp hạng, tại một số các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp và các quốc gia có dân số lớn như Indonesia và Ấn Độ… lại có kết quả chống dịch bệnh tương đối thấp. Mỹ đứng ở vị trí thứ 94 - gần cuối bảng xếp hạng, trong khi Indonesia và Ấn Độ lần lượt đứng ở vị trí thứ 85 và 86. Anh – nước có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất tại châu Âu đứng thứ 66 trong bảng xếp hạng.
Cũng theo phân tích của viện nghiên cứu có trụ sở ở Sydney (Australia) thì mức độ phát triển kinh tế hoặc sự khác biệt trong hệ thống chính trị giữa các quốc gia ít tác động đến kết quả thu thập được. “Nhìn chung, các quốc gia có quy mô dân số nhỏ, xã hội gắn kết và các thể chế có năng lực lại có lợi thế so sánh trong việc đối phó với một cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch” – phân tích của Lowy cho biết.
Báo cáo của Lowy cũng lưu ý về sự quay trở lại của làn sóng dịch bệnh tại những nước vốn từng là điểm sáng về phòng chống COVID-19. Trong đó, Việt Nam cũng đã bắt đầu ghi nhận những ca nhiễm mới sau 55 ngày liên tiếp không có ca nhiễm trong cộng đồng, nhờ vào các biện pháp cách ly tập trung và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả.
Thông tin trên được Viện nghiên cứu Lowy đưa ra trong bối cảnh thế giới đang bước sang năm thứ 2 liên tiếp phải đối mặt với COVID-19. Theo số liệu thống kê trên worldometers.info vào chiều 29/1, thế giới ghi nhận 102.095.589 ca nhiễm và 2.202.206 ca tử vong vì dịch bệnh./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)
Link gốc: https://dangcongsan.vn/the-gioi/the-gioi-noi-ve-viet-nam/viet-nam-la-nuoc-xu-ly-dai-dich-covid-19-tot-thu-2-tren-the-gioi-573845.html
Link gốc: https://dangcongsan.vn/the-gioi/the-gioi-noi-ve-viet-nam/viet-nam-la-nuoc-xu-ly-dai-dich-covid-19-tot-thu-2-tren-the-gioi-573845.html