Sống chung với covid-19 như thế nào? Một vài điểm luận bàn

Thú thực là cho đến nay, tư tưởng chiến lược chung vẫn chưa nhất quán. 

Thủ tướng: xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối

Tình hình dịch covid-19 đến nay 04/09/2021

Chúng ta thừa hiểu không có chuyện “zero Covid”, nghĩa là chẳng đời nào có thể tuyệt đối không có ca nhiễm nào trong một thời gian dài, nhưng cũng chẳng ai dám quyết sống chung với nó như thế nào. Không ít người đang lo ngại chính quyền sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, từ những giải pháp phong toả cực đoan sang mở cửa tự do. Tôi đoan chắc không một nhà lãnh đạo nào sẽ chọn đi con đường đó, vì những lý do sau: 

- Số ca nhiễm vẫn đang gia tăng, số lượng bệnh nhân nặng và tỷ lệ tử vong trên số ca F0 vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn, cao hơn mức trung bình của thế giới. 

- Năng lực chữa bệnh, hạ tầng và nhân lực y tế của chúng ta rất hạn chế, không thể chịu được một lượng lớn F0 và càng không thể gánh đỡ được số lượng bệnh nhân nặng. Bệnh viện dã chiến hiện đại dành chuyên dành cho bệnh nhân Covid ở Hà Nội chỉ có 500 giường. 

- Vắc xin - vũ khí duy nhất cho chúng ta cơ hội làm người tự do di chuyển sẽ còn lâu mới có đủ. Theo quan điểm mới về vai trò của vắc xin, không còn là để tạo ra miễn dịch cộng đồng, mà để hạn chế nguy cơ bệnh tăng nặng và tử vong, thì cần phải tiêm vắc xin cho 100% dân số, tối thiểu là với tất cả những người trên 18 tuổi. Cho tới giờ, chúng ta mới có 32.682.440 liều, quá ít so với nhu cầu. 

Nhưng chắc chắn là không thể phong toả mãi. Nền kinh tế vốn không có tích luỹ sâu đã tới hạn chịu đựng. Các doanh nghiệp gần như kiệt quệ, đã bắt đầu phải lên tiếng kêu cứu. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ngấm đòn, đứng trước nguy cơ mất nhiều hợp đồng. Và chắc là không cần phải nói đến những nỗi khổ về sinh kế của người dân nữa. Nhà nước thì không thể có đủ nguồn lực cấp phát tiền mặt như những nước giàu, mà ngay cả những gói cứu trợ hầu như không phát huy tác dụng gì. Những chính sách phong toả cực đoan đã gây khó khăn không nhỏ cho cuộc sống nhân dân, trong khi vẫn không thể hạn chế tốc độ lây nhiễm, lại còn làm gia tăng những sự kiện đầy nguy cơ tạo ra các super spreader – siêu lây lan với số lượng người tập trung tại một địa điểm quá lớn. 

Thủ tướng đã hơn một lần xác định con đường chống dịch phải lâu dài. Nhiều vị lãnh đạo các địa phương cũng đã phát biểu trên truyền thông như thế. Nhưng sống chung với con virus này bằng cách nào? 

Tin vui là Quận 7 và Củ Chi đã tuyên bố kiểm soát được dịch. Hà Nội, mặc dù trong những ngày qua phát hiện những ổ dịch mới, nhưng cũng đã xác định sẽ thay đổi chiến thuật phong toả từ sau 6/9, áp dụng Chỉ thị 15 ở các vùng nguy cơ thấp (vùng xanh). Thay vì xây dựng những hàng rào cứng ngăn sông cấm chợ, chiến lược mới sẽ là mở rộng dần vùng xanh. 

Phương châm chống dịch

Phương châm, hoặc là tư duy chiến lược, là điều quan trọng nhất. Thời gian qua, nhiều chính sách thụt ra thụt vào, hoặc gây bức xúc xã hội, hoặc trở thành cú hồi mã thương, làm trầm trọng thêm vấn đề, là vì không xác định rõ cái này, và không được thực thi nhất quán ở các cấp, các địa phương. Tôi nghĩ, trước hết, chính quyền cần xác định rõ phương châm chống dịch trong chiến lược sống chung với Covid như sau: 

- Việc chống dịch phải đi đôi với ổn định sinh kế, không thể dễ dãi ngả theo bất cứ một bên nào. Các biện pháp đưa ra đều phải tính đến các hệ quả của nó đối với sinh kế và có giải pháp giải quyết cụ thể. 

- Không đương nhiên áp dụng các biện pháp phong toả cực đoan. Cần thiết lập các cấp độ dịch từ thấp đến cao (ví dụ như cách phân loại vùng xanh, cam, đỏ hiện nay), với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, song song với các biện pháp căn bản, để người dân chủ động hiểu rõ khi nào sẽ phải thay đổi các cấp độ chống dịch và ứng xử phù hợp.

Các nhóm giải pháp

1. Không phong toả cực đoan, mặc dù vẫn phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus lây lan, nhưng vẫn cần đặt mục tiêu duy trì các hoạt động kinh tế nhất định, để nuôi dưỡng lực lượng chống dịch lâu dài. Điều này có nghĩa là không mặc nhiên đóng băng toàn bộ hoạt động kinh tế, mà phải phân loại các doanh nghiệp, theo đặc thù, tính chất hoạt động, theo khu vực, theo năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn. Các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn sẽ được ưu tiên hoạt động. Ngược lại, sẽ phải tạm ngừng để đảm bảo an toàn. 

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn, vốn có tiêu chuẩn an toàn rất cao. Họ có đủ quy trình, quy chuẩn và năng lực triển khai các biện pháp an toàn trong lao động sản xuất. Ở Singapore, Chính quyền phân loại doanh nghiệp theo loại hình kinh doanh và có chính sách cũng như điều kiện áp dụng rất chi tiết.

2. Các biện pháp phong toả phải luôn luôn tính đến sinh kế của người dân, đặc biệt là các đối tượng người yếu thế, các đối tượng dễ tổn thương và nguy cơ cao. Người dân yên tâm về sinh kế nhất định sẽ không hoang mang, đồng lòng ở yên trong nhà. Muốn vậy, phải xác lập và thiết kế quy trình, quy chuẩn cho các loại hình di chuyển và giao dịch an toàn. Chỉ cấm các di chuyển không an toàn.

Quy trình di chuyển và giao dịch an toàn bao gồm các biện pháp bán hàng online, thanh toán không tiền mặt, giao nhận hàng hoá đảm bảo giãn cách, vận chuyển không tiếp xúc, giám sát hành trình và ứng xử bằng công nghệ chuyên nghiệp. Ở Trung Quốc, quá trình mua bán, shipping hàng hoá vẫn diễn ra bình thường, ngay cả trong những ngày phong toả nghiêm ngặt, vì họ hầu như không dùng tiền mặt, mỗi điểm dân cư và các cửa hàng đều có quy trình giao hàng không chạm, xông khử khuẩn trước khi nhận hàng… 

Di chuyển an toàn cũng có nghĩa là có quy định rõ ràng về các nhóm có thể được di chuyển mà không gây nguy cơ lây nhiễm cho chính mình và cho những người khác. Ví dụ: những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hoặc đã từng là F0, có thể được ưu tiên di chuyển. Những người đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin và có xét nghiệm âm tính có thể được tiếp cận một số khu vực hoặc được làm những việc nhất định. 

3. Nguyên tắc “dân giúp dân” bao giờ cũng tốt hơn là dùng các lực lượng chức năng vào các nhiệm vụ không chuyên nghiệp, tiêu tốn tiền bạc và sức lực của nhà nước. 

“Dân giúp dân” nghĩa là tạo điều kiện để người dân có điều kiện được mua bán (theo quy trình di chuyển an toàn ở điều 2), nuôi sống một phần các doanh nghiệp có khả năng phục vụ trong điều kiện an toàn. Tất nhiên các shipper cũng vì thế mà có thu nhập, không trở thành nhóm yếu thế cần cứu trợ. Các doanh nghiệp có doanh thu cũng sẽ tồn tại được, thậm chí có thể phần nào hỗ trợ cho những người khó khăn hơn. Bản thân người dân được ổn định về tâm lý và sinh hoạt cũng sẽ có thể an tâm giúp đỡ những người khác. 

“Dân giúp dân” có nghĩa là tạo điều kiện để các tổ chức thiện nguyện có thể triển khai các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ của mình, bằng cách quy chuẩn cách thức hoạt động an toàn (theo điều 1 trên đây) và di chuyển an toàn (theo điều 2). 

4. Vắc xin đương nhiên là giải pháp căn cơ nhất, cần phải được coi là ưu tiên số 1 trong chính sách chống dịch. Nghĩa là, bằng mọi giá thúc đẩy việc tìm, đàm phán, mua vắc xin từ mọi nguồn có thể, miễn là được WHO phê chuẩn và nhiều nước chấp nhận, kể cả vắc xin sản xuất trong nước. Chúng ta cần rất nhiều vắc xin, rồi đây, nếu có loại vắc xin phù hợp cho người dưới 18 tuổi, thì lượng vắc xin cần thiết phải lên đến 200 – 300 triệu liều. Nên nhắc lại là giờ đây tiêm vắc xin để lỡ may bị nhiễm virus thì không bị chuyển nặng và tử vong, vắc xin là liên quan đến sinh mạng con người, chứ không có chỗ cho sự kỳ thị, phân biệt mang màu sắc chính trị. 

Tiêm vắc xin phải trở thành chính sách quốc gia. Nguyên tắc tiêm vắc xin là tự nguyện, không cưỡng ép, nhưng cần phải có chính sách khuyến khích tiêm vắc xin. Người tiêm vắc xin phải được có những ưu tiên nhất định trong việc di chuyển, lao động an toàn. Ở Singapore, chỉ có tiêm đủ 2 mũi vắc xin, bất kể là loại vắc xin nào, thì mới được vào nhà hàng, foodcourt. 

5. Chung sống với Covid nghĩa là có các giải pháp dịch tễ và y tế linh hoạt, áp dụng uyển chuyển theo từng mức độ lây lan của virus. Tập trung hạn chế tử vong, thay vì quá chú trọng tập trung nguồn lực phong toả, truy vết, dập dịch đến khi không còn ca F0 nào. Đây là chuyên môn sâu về ngành y mà tôi không có đủ kiến thức để lạm bàn. Chỉ xin nhấn mạnh vào nguyên tắc ưu tiên tiêm vắc xin cho người trên 65 tuổi, nhóm đang có tỷ lệ tử vong lên đến trên 49%, đồng thời tổ chức tốt việc tư vấn và hỗ trợ chữa trị cho các bệnh nhân F0 chưa có triệu chứng tại nhà, cũng như cấp cứu nhanh chóng, quyết liệt cho các bệnh nhân bắt đầu trở bệnh.

6. Công nghệ vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu hỗ trợ chống dịch như kỳ vọng. Tôi xin nhấn mạnh rằng điều này không phải là lỗi của anh em công nghệ. Nhiều giải pháp công nghệ, mobile app được đầu tư phát triển rất nhanh và rất hay. Tuy nhiên, tôi có cảm giác là chúng không được triển khai dưới một chiến lược chung, mỗi ngành, mỗi địa phương lại có quan điểm và kế hoạch riêng. Và điểm yếu nhất là chúng không cùng kết nối vào một hệ thống data base chung. 

Ở Singapore chỉ có một app là TraceTogether, được thống nhất sử dụng từ đầu đến giờ. Ở Trung Quốc, mỗi tỉnh (dân số có khi bằng hoặc nhiều hơn dân số Việt Nam) có thể có một app riêng, nhưng tất cả đều phải kết nối vào kho dữ liệu quốc gia (national big data), và phải đạt một số tính năng bắt buộc. Hầu như họ không gặp phải vấn đề nan giải như ta, truy vết, khai báo, theo dõi dịch tễ, lịch sử tiêm vắc xin… cực kỳ dễ dàng và khoa học. Các bạn có thể cho rằng hệ thống của Trung Quốc và Singapore xâm phạm dữ liệu cá nhân quá nhiều, nhưng giữa nguy cơ của đại dịch và hy sinh sự riêng tư, chúng ta phải chọn một. 

Trên đây là những ý kiến đúc rút từ nhiều cuộc thảo luận với các anh em trong nhóm Hà Nội Hành Động, chưa hẳn là các ý kiến được thống nhất tập thể, nhưng cũng không phải chỉ là ý kiến riêng của cá nhân tôi. Xin ghi lại nhân một ngày chuẩn bị bước vào giai đoạn chiến đấu mới.

Theo Lê Quốc Vinh


0 Nhận xét