Trở thành “siêu doanh nhân” mở chuỗi, gom của thiên hạ một đống tiền, sống ảo khoe mẽ ầm ĩ rồi... lặn mất tăm: Hậu quả của xã hội ưa hư danh, thích khoe mẽ và thiếu căn bản!
CEO S.TIX COFFEE - Đinh Công Đạt - ảnh Kênh 14 |
Lâu lâu, trên báo lại “tòi đâu ra” một CEO: màu mè, khoe “thành công lẫy lừng”, nói về các dự án triệu đô, khoe cuộc sống xa hoa sang chảnh...
Dĩ nhiên, không phải thiếu gia, cũng chẳng phải vô tình được thừa kế một khối tài sản khủng nào đó, mà có thể là những em hôm trước còn đi dạy kèm, hay đã từng có tham gia một đường dây đa cấp nào đó, hay có tí tiền nhờ trúng sales vài căn hộ hay vài miếng đất ở một dự án “siêu làm phiền” lỗ tai người nghe điện thoại nào đó...
Cứ thế, một “thiên tài kinh doanh”, một “dự án siêu khủng” được ra lò. Bắt đầu là thuê báo viết la liệt, nào là anh sinh viên tay trắng một đêm ngủ dậy thành triệu phú; cô công nhân lương 6 triệu/ tháng tự tin khoe khối tài sản thương hiệu hơn chục triệu đô...
Cũng có thể một cô cậu nào đó cứ tự tin nói như MC đám cưới trong một chương trình truyền hình thực tế gọi vốn trước nhiều cái ứng xử trọc phú của các “Shark”chẳng hạn.
Thế là một thế hệ “doanh nhân trẻ lập chuỗi” được ra đời. Mà ra đời, chưa kịp khóc oe oe thì đã thét đùng đoàng như sấm về các dự án khủng, hát vang trời bài ca thành công, vẽ màu mè những dự án hứa hẹn hái ra tiền.
Các bạn ấy không nghĩ đến việc tạo ra giá trị tiêu dùng, mà nghĩ cách mở ra một chuỗi để kiếm tiền từ nguồn đầu tư.
Có lẽ các bạn ấy đang nghĩ đến việc một nhân vật nào đó sẽ sử dụng “siêu dự án” của các bạn để rửa một đống tiền. Nhưng thời này mọi thứ không dễ dàng với bài toán đó, là đến lúc mở ra, thuyết phục một số người có tiền mà chưa biết làm gì góp vốn vào với bao lời hứa có cánh. Hoặc chí ít, gom thêm một mớ từ những người dân vốn thích nghe những lời đường mật, mà đang giữ bên mình ít chục triệu cần đầu tư để đổi đời.
Cậu Đinh Công Đạt của chuỗi café đang tai tiếng kia, là một ví dụ điển hình.
********
Có lẽ câu chuyện của bạn Đạt, các báo làm ơn làm phúc bỏ việc nhận vài đồng PR xuống và viết một cách công tâm, rằng đó không phải là câu chuyện đẹp của kinh doanh, mà đó là câu chuyện huy động vốn lập ra các dự án không khả thi, có dấu hiệu của sự khó thành công (chứ chưa nói đến những mặt tiêu cực hơn) thì mọi thứ, và nhiều người không khổ như bây giờ, ở cái thời buổi dịch giã này.
Đằng này thì cứ thành công, thành đạt, là xe khủng là nhà sang, là tuổi trẻ tài cao, là thông minh lỗi lạc. Thế thì hỏi sao những chú lao công, những bác tài xế, thậm chí vài anh chị “doanh nhân” mới giàu nhờ bán tôm buôn lúa, ép hạt điều..., hỏi sao không dốc tiền vào?
Chúng ta đã dần trả giá cho những cái thiếu căn bản trong đời sống xã hội và ứng xử xã hội, thì nay, chúng ta đang phải trả giá cho sự thiếu căn bản trong kinh doanh và thiếu căn bản trong truyền thông, cùng đạo đức truyền thông khi đi tuyên truyền lệch lạc về những giá trị của sự giàu có và thành công của một số nhóm người trong xã hội.
********
Nối tiếp dòng đứt gãy của một chuỗi café cũng kha khá lớn trước đây; nối tiếp câu chuyện nhà hàng Món Huế; giờ tiếp theo câu chuyện Đinh Công Đạt, chúng ta có học được ở đó những bài học lớn mà không chỉ là câu chuyện của đồng tiền? Chắc chắn là có.
Nhưng, tôi muốn xoáy sâu đến câu chuyện của những Đinh Công Đạt tương tự đang ấp ủ mở chuỗi để vơ tiền thiên hạ về tô vẽ ra những chân dung “doanh nhân trẻ tài ba” như thế này:
Một là: Tiền thiên hạ không dễ cướp về như thế đâu các bạn. Đừng nghĩ rằng bạn huy động vốn rồi làm mọi cách để dự án lỗ đến phá sản như tư duy của kẻ đi rửa tiền là xong nhé. Hãy nhớ rằng họ đầu tư theo lời hứa của các bạn thì họ sẽ tìm bạn cho đến khi nào bạn thực hiện được lời hứa đó thì thôi.
Hai là: Đừng phí tuổi trẻ cho những toan tính mà hãy dùng tuổi trẻ để tính toán việc tạo ra những giá trị lớn cho cuộc đời. Hãy tạo ra một doanh nghiệp mạnh, những thương hiệu lớn của doanh nghiệp đó rồi tạo ra các sản phẩm cốt lõi có ích, sau đó muốn mở chuỗi mở dây gì cứ mở. Chứ chưa có gì mà gọi ì xì đùng thì chỉ có là lừa đảo và rửa tiền thôi.
Ba là: Ai cũng có quyền được thất bại nhưng hãy thất bại bằng đồng tiền và công sức của chính mình chứ đừng lôi người khác vào thất bại cùng hoặc bắt người khác phải chịu trách nhiệm trước những thất bại mà bạn cố tình muốn sự thất bại ấy diễn ra.
Bốn là: Nhà đẹp, xe sang, danh tiếng ảo suy cho cùng cũng chỉ là những thứ phù phiếm bên cạnh cuộc sống bình yên và giá trị lớn vững chắc được tạo dựng. Hãy đi xuôi chiều theo việc tạo ra giá trị và sự bình yên trước, chứ đừng đi ngược bằng con đường hư danh trước, chắc chắn bạn sẽ thất bại thảm hại.
Bởi những người có giá trị họ sẽ không nhìn vào hư danh và mấy cái khoa trương vật chất. Chỉ có kẻ không còn gì để mất hoặc chưa từng có một giá trị gì mới đi khoe tiền bạc kim cương xe cộ và dựng nên chân dung mình bằng những thứ ảo bằng mọi giá mà thôi!
Từ nhà báo Hoàng Nguyên Vũ, hình Kênh14