Trả lời đến 72 câu hỏi, qua 5 vòng phỏng vấn, tùy công việc, là cách mà các nhà tuyển dụng tìm ứng viên phù hợp trong bối cảnh đòi hỏi năng lực làm việc ngày càng cao hiện nay.
Những câu hỏi tưởng chừng "không ăn nhập"
Ông Huỳnh Lê Khánh, cố vấn Ban giám đốc Tập đoàn Golden Communication (TP.HCM), cho biết trong phỏng vấn tuyển dụng, các công ty thường có một bảng câu hỏi. Nếu ngắn thì tầm 10 câu, dài thì có khi lên đến 72 câu và ít thì 1 vòng, nhiều có khi đến 5 vòng phỏng vấn tùy vị trí và mức độ phức tạp của công việc.
Làm việc từ xa là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay khi các doanh nghiệp đang đẩy mạnh số hóa quy trình làm việc - HÀ ÁNH |
"Bản thân tôi khi phỏng vấn ứng viên, bên cạnh việc tuân thủ các quy định tuyển dụng của công ty, tôi cũng có những cách riêng của mình để hiểu rõ hơn về ứng viên. Ví dụ, tôi sẽ hỏi về những sở thích trong cuộc sống để xem ứng viên có thiên hướng gì. Có thể là những câu rất đơn giản như thể loại nhạc, sách, hoặc là một vài vấn đề xã hội mà bạn quan tâm gần đây và ý kiến của bạn như thế nào", ông Khánh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Công ty Dân Trí Soft, lại đưa ra những câu hỏi khá ngẫu hứng theo từng trường hợp. Ví dụ: "Trường hợp em phát hiện Dân Trí Soft có một quy trình chưa tối ưu nhưng vẫn dùng được không ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh, em sẽ xử lý chuyện này như thế nào?". Cũng có thể ông Hiếu đặt ra những câu hỏi vu vơ kiểu: "Theo em thì em có phải là người hay có những suy nghĩ khác lạ hay không, và nó gây ra rắc rối hay mang lại hiệu quả? Em hãy nêu một ví dụ". Nhờ vậy, ông Hiếu có thể đánh giá được sự sáng tạo và tính cách, khả năng của ứng viên.
Đối với việc phỏng vấn tuyển dụng của Công ty Daco Logistics, ông Trần Huy Hiển, Tổng giám đốc, chia sẻ ông vẫn đặt những câu hỏi về... thói quen sinh hoạt hằng ngày của ứng viên, hoặc là "Ngày sinh của bố mẹ bạn?", "Món quà gần đây nhất trong dịch Covid-19 mà bạn tặng cho ba mẹ là gì?", "Nếu bạn làm việc với đối tác nước ngoài, bạn sẽ giới thiệu gì với họ về đất nước mình?"...
Ông Hiển nói: "Nếu ứng viên không yêu gia đình, không yêu quê hương đất nước thì cũng sẽ không yêu doanh nghiệp, nên đó là những câu hỏi tôi muốn ứng viên trả lời".
Tốp kỹ năng giúp ứng viên cạnh tranh
Theo ông Huỳnh Lê Khánh, trong bối cảnh hiện tại, nhà tuyển dụng sẽ mong muốn tìm kiếm những ứng viên có kỹ năng quản trị cảm xúc tốt, và có được sự kiên định. Lý do rất dễ hiểu là trong cuộc sống, mỗi người đều bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố nhưng tất cả mọi thứ hay được "đổ lên đầu" một đối tượng có tên là “công việc”.
"Khi mất thăng bằng, mọi người thường đổ tại công việc. Tuy nhiên, thực tế lại xuất phát từ năng lực thấu hiểu bản thân, quản lý được cảm xúc bên trong mình. Tôi cũng đánh giá cao ứng viên có tính kiên định. Vì hiện nay chúng ta sống trong một thế giới khá bất ổn, đổi thay và cái mới xuất hiện liên tục, bạn trẻ dễ bị cuốn theo mà quên mất nền tảng của mình. Cho nên phải rất kiên định thì mới dễ trụ vững, không bỏ cuộc. Bên cạnh đó, kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng và tính linh hoạt chính là những yếu tố nổi trội trong tình hình hiện tại", ông Khánh nhận định.
Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đã công bố danh sách 10 kỹ năng hàng đầu cho đến năm 2025: tư duy phân tích và đổi mới; học tập tích cực và chiến lược học tập; giải quyết vấn đề phức tạp; tư duy phản biện và phân tích; khả năng phục hồi, khả năng chịu đựng căng thẳng và tính linh hoạt; sáng tạo, độc đáo và chủ động; lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội; lập luận, giải quyết vấn đề và hình thành ý tưởng; trí tuệ cảm xúc; thiết kế và lập trình công nghệ.
Qua những yêu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp tại trang việc làm VietnamWorks.com, bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự Navigos Group, thông tin ngoài các yêu cầu chuyên môn khắt khe, nhà tuyển dụng còn mong muốn người lao động phải trang bị các kỹ năng mềm như xử lý công việc hiệu quả, làm việc đội nhóm.
"Một người có thể xử lý công việc bằng 2 - 3 người trong lĩnh vực của mình đang là yêu cầu thực tế khi doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, các kỹ năng cần thiết như tự học hỏi, có kiến thức về công nghệ thông tin và truyền thông, biết cách quản lý bản thân và người khác... Đặc biệt, để nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng viên cần trang bị các kỹ năng phức tạp hơn như hợp tác với người khác, quản lý con người, trí tuệ cảm xúc, đánh giá và ra quyết định, phân tích hệ thống, giải quyết những vấn đề phức tạp...", bà Linh cho hay.
TIN LIÊN QUAN
Mỹ Quyên
Link gốc https://thanhnien.vn/tuyen-dung-nhan-su-boi-canh-moi-co-gi-moi-post1429541.html