Hồi đầu năm, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nói trên tờ Thanh Tra rằng ông Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi: "Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó?"
"Nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế" - theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Thực ra câu hỏi này khá dễ hiểu, dễ trả lời. Dù rằng con người ai cũng có lương tâm nhưng trong quá trình tiến hóa, để tồn tại cái tánh thiện đã bị tham sân si chi phối. Phần lớn nhân loại đều gục ngã trước cám dỗ của quyền chức, tiền bạc và tính dục. Với những kẻ cầm quyền ở bất kỳ quốc gia nào thì tiền ít, chức nhỏ, gái... ít đẹp họ có thể vượt qua. Nhưng tiền thật nhiều, quyền thật to, mỹ nhân kề cận thì đàn ông đều chịu thua.
Vậy có ai có thể chống lại ba cái cám dỗ trên? Có! Nhưng những người như vậy họ không "đối đầu" với nó mà chọn một cách sống khác, không tham gia chính trường!
Vậy có cách nào để những người đang cầm quyền không dám lộng hành dù bị bản năng chi phối?
Trên con đường tiến hóa, nhân loại đã có cách để hóa giải nó, và đáp án cho đến lúc này được xem là tiến bộ nhất: đa nguyên chính trị, tòa án độc lập, tự do báo chí.
Hóa giải ra sao?
Quá đơn giản: một khi anh nắm quyền với thời gian hữu hạn bằng lá phiếu của dân mà làm sai, làm bậy, làm dở thì bị các đối thủ chính trị phanh phui, báo chí điều tra, bêu riếu. Vi phạm pháp luật thì tòa án độc lập sẽ xử dù là có là tổng thống! Cá nhân, đảng phái đó mất ngay cơ hội cầm quyền. Vì vậy do SỢ mà họ làm đúng. Thói quen hình thành tính cách. Cái đúng song hành thì từ từ con người sẽ nhận ra tánh bản thiện của mình.
Hàn Quốc là một ví dụ, từ một thể chế độc tài, lạc hậu ngày nay họ đã thành nền kinh tế thứ 10 thế giới. Tất cả là nhờ thoát khỏi độc tài. Tổng thống Hàn Quốc đang ở tù vì cáo buộc tham nhũng là minh chứng.
Vậy thôi, đừng phí lời kêu gọi lương tâm hay tỉnh ngộ, bởi cái gốc của vấn đề là do thể chế toàn trị. Giới chức được gọi là cán bộ lãnh đạo chớ không phải giới chức phục vụ. Và chính vì không có đối lập, không chịu áp lực kiểm soát từ đó nên họ mặc sức tung hoành, và khi cái phần con vật phát sinh nhu cầu, thì kêu gọi sự chính trực hay lương tâm là xa xỉ. Khi quyền lực chưa được kiểm soát, thì cái ác vẫn cứ phát triển.
Vấn đề là nước Việt Nam ta có muốn học hỏi và làm như Hàn Quốc đã làm và đã thành công!?
Theo anh Nguyễn Đình Bổn