Tranh cãi vụ cô gái khóc nức nở vì không xin được việc sau khi tốt nghiệp

Có nhiền luồng ý kiến khác nhau trên mạng xã hội khi một cô gái đăng tải đoạn video clip vừa nói vừa khóc vì đã trải qua hơn 30 cuộc phỏng vấn, bị 825 công ty từ chối khi xin việc dù đã có bằng đại học.

Tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc

Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội vừa đăng tải hình ảnh kèm theo nội dung bài viết về một cô gái người Trung Quốc khóc nức nở vì không xin được việc làm dù đã tốt nghiệp đại học.

Cô gái này học đại học chuyên ngành viết quảng cáo và lập kế hoạch. Sau khi tốt nghiệp, cô đã kiên trì gửi hồ sơ tới 825 công ty, chỉ có 30 cuộc phỏng vấn nhưng tất cả đều thất bại. Quá bất lực về tình hình công việc của mình cô gái đã quay lại video bật khóc nức nở và chia sẻ lên mạng. Không chỉ vậy, có những công ty chấp nhận cô ấy vào làm nhưng ở vị trí thực tập sinh không có lương và cũng không có cơ hội lên làm chính thức. Điều này khiến cô gái vô cùng bức xúc.
Cô gái khóc nức nở vì không xin được việc làm được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội
Chụp màn hình
Sau đó, cô lên mạng vừa nói vừa khóc nức nở rằng: "Không phải người lớn đều nói học đại học xong sẽ có công việc tử tế hay sao?". Nhưng thực tế với cô lại hoàn toàn ngược lại. Thậm chí cô còn bất lực vừa khóc nức nở vừa nói "học đại học còn có nghĩa lý gì chứ".

Ngay sau đó, chủ đề về tìm việc của cô gái này được cộng đồng mạng bàn tán sôi nổi. Có nhiều luồng ý kiến khác nhau về vấn đề học đại học hiện nay và nhiều người liên tưởng đến tình trạng mới ra trường của sinh viên Việt Nam hiện tại.

Tài khoản Bảo Quang bình luận: "Học đại học không phải là con đường ngắn nhất nhưng là con đường dễ đi nhất để lo cơm áo gạo tiền thôi, nhưng hiện tại chỉ dừng lại ở mức đủ lo khi phổ cập đại học ở Việt Nam là rất cao rồi, 9 - 10 điểm cũng đỗ đại học cơ mà. Con mình sau này thích học thì học mà không thích thì nghỉ, hết THPT cho đi làm xem sở thích là gì thì học về cái đấy, thế nó mới chuẩn chỉ được. Giờ đi học đại học cho lắm vào rồi về làm thuê cho đội bỏ học hết".

Còn tài khoản có tên Phong Quyền lại nói rằng: "Đại học không phải con đường duy nhất đến thành công, nó đơn giản chỉ là cột mốc ta đạt được trong cuộc đời, mới tới hơn 1/3 cuộc đời xíu mà dùng nó quyết định phần đời còn lại sao mà được".

Góp ý bình luận về vấn đề này, tài khoản Hoàng Thi nhìn nhận, bằng tốt nghiệp đại học chỉ là tờ giấy thông hành, còn các kỹ năng mềm, kiến thức xã hội nữa chi. Và quan trọng là bớt ảo tưởng, kiến thức trên trường chỉ là lý thuyết, thực tế khác xa lắm. Hơn nữa mới ra trường đòi lương như người kinh nghiệm lâu năm thì sao mà được. Chốt hạ là thái độ nhiều khi quan trọng hơn trình độ.

Bằng đại học có quan trọng với người lao động khi đi xin việc?

Thực tế, câu chuyện xin việc của cô gái Trung Quốc khi nhiều người lại cho rằng khá tương đồng với môi trường, hoàn cảnh của người trẻ Việt hiện nay. Vấn đề lao động, việc làm sau khi ra trường là mối bận tâm lớn với những sinh viên cuối cấp nhất là thời buổi nhân sự gen Z đang lên ngôi.

Chị Trần Hạo Anh, Nhà sáng lập Viện doanh nhân Pi Institute, giảng viên của Trường ĐH Văn Lang và FPT Skillking cho rằng hiện nay tùy ngành nghề cụ thể, giới trẻ Việt cũng không nhất thiết phải có bằng đại học mới có được một việc làm. Bởi các yếu tố để quyết định năng lực của một người không chỉ nằm ở tấm bằng đại học, nhất là rất nhiều bạn thường chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng cũng như học và làm trái ngành nên các bạn vẫn phải tự phát triển bản thân để đáp ứng cho yêu cầu công việc.
Theo nhiều chuyên gia việc tuyển dụng hiện nay ít chú trọng đến bằng đại học. Tuy nhiên, nó cũng là một yếu tố nói lên ứng viên đang đạt được một trình độ nào đó - Dạ Thảo
Chị Hạo Anh chia sẻ: "Trong quá trình giảng dạy cũng như tuyển dụng thực tế chúng tôi nhận thấy đa phần các bạn trẻ mới vào nghề hoặc sinh viên mới tốt nghiệp thường gặp phải các vấn đề như thiếu kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm: như thuyết trình, lập kế hoạch, kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Thái độ làm việc đôi khi cái tôi quá cao, chưa biết cách làm việc nhóm, quá dễ dàng từ bỏ khi có khó khăn thử thách. Ngoài ra, các bạn còn bị giới hạn về khả năng nhận thức bản thân, một số trường hợp còn cho rằng bản thân mình rất giỏi trong khi thực tế có thể không đạt được như vậy".

Ông Cao Trung Hiếu, người sáng lập và điều hành DanTriSoft nhìn nhận: "Đại học là nơi trang bị cho sinh viên các kiến thức nền tảng, về phương pháp luận phương pháp làm việc thuộc ngành nghề theo học. Một sinh viên học đại học nghiêm túc và vượt qua các kỳ thi một cách trung thực sẽ tích lũy cho bản thân khối lượng tri thức để có thể sử dụng lâu dài khi bước vào thị trường lao động, đó là nền móng để bản thân nâng tầm giá trị. Với nền tảng kiến thức vững vàng cộng với tinh thần cầu thị học tập trong môi trường công việc thực tế sẽ giúp người lao động có óc quan sát, phân tích và có phương pháp làm việc đạt được hiệu quả cao đem lại nhiều giá trị cho công ty, từ đó chính người lao động sẽ nhận được những phần tưởng thưởng xứng đáng".

Theo ông Hiếu, ngày nay các nhà tuyển dụng lựa chọn ứng viên với nhu cầu thiên về tính hiệu quả công việc, tức chọn ứng viên phù hợp và có năng lực làm việc nên tiêu chuẩn bằng cấp nói chung hay đại học nói riêng có xu hướng không còn là tiêu chuẩn bắt buộc. Không học đại học nhưng ứng viên biết cách tự học để trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và có thái độ công việc đúng đắn vẫn tìm được công việc tốt, thu nhập tốt. Tuy nhiên, bằng cấp đại học vẫn là yêu cầu căn bản ở vòng đầu tiên là gửi hồ sơ dự tuyển, nhiều công ty sẽ không giữ lại hồ sơ ứng viên khi không có bằng đại học ngoại trừ hồ sơ ứng viên đó có khác biệt bằng ấn tượng sâu sắc nào đó, ví dụ như là thành tích giải thưởng đã đạt được.

"Bằng đại học chỉ mới là điều kiện cần khi ứng tuyển việc làm, quá trình ứng tuyển thông thường sẽ trải qua các bước là gửi hồ sơ ứng tuyển, nếu đạt sẽ đến vòng nhà tuyển dụng mời phỏng vấn và khi đạt sẽ đến bước nhận công việc và chứng minh giá trị bản thân. Vì vậy ứng viên cần xác định rõ là bị từ chối ở bước nào trong quy trình trên", ông Hiếu phân tích.

Chia sẻ thêm về vấn đề xin việc, ông Hiếu nghĩ rằng nếu đã được mời phỏng vấn nhưng thường xuyên không đạt, tức là kỹ năng phỏng vấn của người đó có vấn đề, thậm chí thái độ và năng lực có vấn đề, do đó cần xem xét lại để điều chỉnh cho phù hợp, thậm chí phải học thêm để nâng cấp bản thân.

Ngoài ra, nếu đã được nhà tuyển dụng nhận vào giai đoạn thử việc nhưng không đạt qua vòng nhân sự chính thức thì người lao động cần xem xét nghiêm túc lại chính mình và trao đổi với nhà tuyển dụng để rút ra bài học kinh nghiệm cho những lần tiếp theo.

Theo Dạ Thảo
Báo Thanh Niên


0 Nhận xét